Triết lý khởi nghiệp qua câu chuyện “BÁN PHỞ KHÔNG LÀ KHỞI NGHIỆP?”

BÁN PHỞ KHÔNG LÀ KHỞI NGHIỆP?

Một người rất thành công trong ngành công nghệ thông tin nói mở quán bán cà phê, bán phở thì không gọi là khởi nghiệp. Rồi ông giải thích khái niệm startup (mà ông dịch là “khởi nghiệp”) khác với entrepreneur (mà ông dịch là “lập nghiệp”) để kết luận khởi nghiệp là phải là “đỉnh cao của khoa học”, là “làm điều thế giới chưa từng làm”…

Thế rồi cộng đồng mạng xôn xao khen ông nói chí phải; phải làm điều thế giới chưa từng làm; phải làm gì đó là đỉnh cao của khoa học…thì mới là khởi nghiệp (!?).

Triết lý khởi nghiệp qua câu chuyện "Bán phở không coi là khởi nghiệp"

Ở đây, tôi không bàn về khái niệm startup hay entrepreneur (startup rất khó dịch và không phải là “khởi nghiệp” như nhiều người vẫn dịch; còn entrepreneur cũng không phải là “lập nghiệp” như ông ấy dịch). Tôi chỉ bàn về hai từ tiếng Việt đã quá quen thuộc là khởi nghiệp. Khởi nghiệp, lập nghiệp, hay dựng nghiệp, suy cho cùng cũng là quá trình bắt đầu gầy dựng một sự nghiệp. Vậy thì, dù là mở ra bán phở, bán cà phê, bán giọng ca, bán đôi chân, bán ngòi bút, bán chất xám, thậm chí bán ve chai, phế liệu, cũng đều là khởi nghiệp, bắt đầu gầy dựng sự nghiệp. Mà sự nghiệp thì không nhất thiết phải có doanh nghiệp hay cơ sở làm ăn!

Sự nghiệp chẳng qua là kết quả của một nghề nghiệp nào đó tạo nên. Ta vẫn thường nghe sự nghiệp ca sĩ, sự nghiệp đá bóng, sự nghiệp viết văn, binh nghiệp (sự nghiệp trong quân đội)… Làm bất cứ nghề gì cũng có thể tạo nên sự nghiệp cho mình. Kể cả những nghề (bị cho là) “làm thuê” như làm quản lý, CEO, huấn luyện viên thể thao, nhân viên VP…, về thực chất cũng là nghề kinh doanh (chất xám, kỹ năng, kinh nghiệm…), và cũng có thể tạo nên sự nghiệp lớn (thế giới có những CEO, huấn luyện viên làm nên kỳ tích mà bao người mơ ước)

Vậy thì, hãy tạm quên những định nghĩa rắc rối của các bậc cao nhân đi để yên tâm với con đường “khởi nghiệp” của mình, bất kể bạn bắt đầu bằng một quán cà phê, quán phở, vựa ve chai, hay nghề bán chất xám… Nếu bạn làm được điều gì “thế giới chưa từng làm” thì quá tuyệt vời; nhưng nếu bạn chỉ làm điều mà bạn yêu thích, tạo giá trị cho đời, đem lại hạnh phúc, niềm vui cho chính mình thì cũng tốt chứ, sao cứ phải băn khoăn, bạn nhỉ!

+ Khái niệm startup rất khó dịch ra tiếng Việt. Không thể chỉ dịch ra tiếng Việt là khởi nghiệp, rồi bảo khởi nghiệp không phải lá bán phở, bán bún… mà phải làm điều gì đó phi thường (thế giới chưa từng làm). Phong trào khuyến khích khởi nghiệp ở VN không phải chỉ hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành công nghệ, mà bất cứ ngành nghề nào có thể. Nếu giải thích startup bằng tiếng Anh thì OK; nhưng khi dịch ra tiếng Việt, nếu không khéo, sẽ làm méo mó tiếng Việt, gây hiểu lầm!

Mà sao, dạo này nhiều người cứ thích “bẻ lái” cụm từ “khởi nghiệp”, vốn rất quen thuộc, thành thứ gì đó cao siêu, ghê gớm, nên dễ làm cho các bạn trẻ đang khởi nghiệp mất động lực, nản lòng (vì nghĩ rằng mình đang lao vào những thứ quá đỗi tầm thường)!

+ Nếu một startup (mà ông dịch là khởi nghiệp) về sau trở thành một công ty thì người chủ có được gọi là entrepreneur không nhỉ? Nếu có thì lại trở thành “lập nghiệp” như ông nói sao? Nếu không thì cứ mãi mãi phải gọi là “khởi nghiệp” chăng?