Viết bài chuẩn seo thế nào qua 5 bước cực dễ

Viết bài đăng blog hay viết bài chuẩn seo thế nào cũng khá giống với việc lái xe, bạn có thể học về luật giao thông (hoặc đọc các bài báo hướng dẫn làm thế nào để viết một bài blog thật hay) hàng tháng trời, nhưng chẳng có hành trang nào cho bạn sự tự tin hơn việc ngồi lên xe và nổ máy lăn trên đường, cũng giống như không có gì tốt hơn để cải thiện kỹ năng viết lách của bạn hơn việc gõ lên bàn phím những ý tưởng còn dang dở trong đầu bạn thành một bài viết hoàn chỉnh.

Bạn đang kinh doanh? Nếu biết cách khai thác sức mạnh của blog, nó có thể giúp bạn phát triển công việc kinh doanh của mình một cách đáng kinh ngạc. Bên cạnh sự nỗ lực luyện tập viết bài của bản thân, bài viết sau đây sẽ bật mí cho bạn thêm 5 bước để tạo nên một bài viết có sức hút ma lực, khiến nó như một thỏi nam châm thu hút sự mến mộ của độc giả, từ đó tăng lượng truy cập và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp của bạn.

Bước đầu tiên: Lên kế hoạch viết bài

Đầu tiên, Gác lại toàn bộ công việc khác – toàn bộ quá trình của việc viết bài viết sẽ tốn nhiều giờ đồng hồ, cho dù tốc độ đánh máy của bạn có thể đạt đến 80 từ một phút và kỹ năng viết bài của bạn cũng khá “đỉnh” rồi, bạn vẫn cần phải đầu tư khá nhiều thời gian để có một bài viết hay.

Ngay từ khi những ý tưởng của bạn hãy còn giống như những mầm non vừa nhú khỏi mặt đất, cho đến lúc bạn hoàn thành toàn bộ bài viết và hân hoan vui sướng trong giây phút nhấn nút “ Publish” (đăng bài), bạn có lẽ đã phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần để thực hiện bài viết của mình. Tuy nhiên, hãy dành ra vài tiếng vô cùng quan trọng để lên kế hoạch và suy nghĩ về bài viết của bạn. Suy nghĩ cũng được tính như là đã bắt tay vào viết bài thật sự rồi.

5 bước viết bài chuẩn seo - 1

Trước khi bạn thật sự ngồi trước màn hình và gõ lên bàn phím những gì bạn đang nghĩ, bạn cần đảm bảo rằng mình đã suy nghĩ về vấn đề này rất kỹ lưỡng rồi, và bây giờ là lúc chắc chắn cần phải thể hiện nó ra một cách hoàn chỉnh. Rất nhiều những bloggers mới bỏ qua bước lên kế hoạch viết bài này, nhưng họ không biết rằng họ đang bỏ lỡ một nền tảng khởi đầu rất quan trọng.

  • Lựa chọn một chủ đề mà bạn cảm thấy thích thú

Có một phương châm mà bạn luôn cần ghi nhớ, đó là: Một blogger chỉ có thể truyền cảm hứng cho độc giả của mình một khi blogger ấy thực sự hứng thú với những gì mình sẽ viết. Không quan trọng chuyên ngành của bạn là gì, một khi đứng trên vai trò là một blogger, khi bắt tay vào viết bài, bạn cần phải ghi nhớ phương châm ấy.

Trước khi tiếp tục với những bước tiếp theo, hãy chắc chắn rằng bạn đã lựa chọn cho mình một chủ đề thực sự mang lại niềm cảm hứng cho bạn. Bạn hãy nhớ rằng, khi thực hiện bất kể một công việc gì mà thiếu đi sự hứng thú và nhiệt tình, bạn sẽ chẳng thể đạt được thành công thật sự, và viết blog cũng như vậy.

Ngặt một nỗi, nếu như bạn buộc phải viết một chủ đề mà mình chẳng có chút hứng thú gì thì phải làm sao nhỉ?

Một blogger từng gọi cho tôi và than phiền rằng anh ấy phải viết bài cho blog của một công ty sản xuất bìa các-tông hay một chị có kể chị phải viết về những lĩnh vực như tuân thủ quy định về tài chính và nhà ở của công ty.

Tôi hiểu cảm giác của những ai buộc phải viết hàng trăm hàng nghìn bài viết cho những lĩnh vực có bản chất khá khô khan và máy móc. Nhưng minh chứng rõ ràng khẳng định bạn là một blogger giỏi đó là với bất cứ chủ đề nào, bạn cũng đều có thể viết tốt, cho dù chủ đề ấy có khô khan đến thế nào. Tự tạo cho mình một chút cảm xúc và yêu thích với những gì mình buộc phải viết, giống như chăm sóc một khu vườn bị bỏ hoang, rồi sẽ có ngày bạn có một khu vườn xinh đẹp và gọn gàng với những bông hoa là sự tán thưởng từ độc giả của bạn.

5 bước viết bài chuẩn seo - 2

  • Hãy phác thảo cho bài viết của bạn

Một bài viết tuyệt vời cần được xây dựng dựa trên những phác thảo rõ ràng. Kể cả một blogger có kinh nghiệm cũng đều phải chuẩn bị cho bài viết của mình một khung bài/ dàn ý với những ý chính trước khi bắt tay vào viết bài.

Dàn ý cho bài viết không yêu cầu phải dài hay quá chi tiết, nó chỉ cần là những gạch đầu dòng sơ lược được phác thảo trước để đảm bảo rằng bạn không đi lạc hướng hay lan man về những gì không liên quan đến chủ đề chính.

Một khi những ý tưởng chợt lóe ra trong đầu bạn, hãy gạch đầu dòng những ý lớn ngay lập tức, không quan trọng bạn viết chúng trên trình soạn thảo văn bản trong máy tính, một mẩu giấy nhỏ, thậm chí vài nét nguệch ngoạc lên chiếc khăn ăn trong bữa tối của mình cho dù việc đó hơi “dị” trong mắt một số người, nhưng không quan trọng, miễn là bạn đừng để những ý tưởng vụt mất trong một vài khoảnh khắc “xuất thần”.

  • Hãy nghiên cứu và sưu tầm

Một trong những bí mật “khủng” mà chẳng một blogger chuyên nghiệp nào( kể cả bản thân tôi) muốn bạn khám phá ra, đó là chúng tôi chẳng thể am hiểu tường tận mọi vấn đề như bạn nghĩ đâu! Sự thật hơi phũ phàng, nhưng có những chủ đề mà trước giờ chúng tôi cũng chẳng rõ lắm cho đến khi thực sự bắt tay vào viết về chúng.

Nói điều này không phải là cáo buộc tất cả mọi blogger đều không trung thực. Trái lại, chính sự hiếu kỳ bẩm sinh đã thôi thúc họ dám bắt tay vào thực hiện những chủ đề mà họ chưa am hiểu sâu. Một khi xác định viết blog là “chiếc cần câu cơm” của mình, bạn phải cảm thấy thoải mái và tự tin đảm nhiệm công việc viết lách về bất kì lĩnh vực nào, kể cả khi lĩnh vực ấy bạn chưa từng tiếp xúc qua bao giờ.

Điều gì có thể cho phép bạn thực hiện được công việc khó khăn ấy? Bí quyết là hãy nghiên cứu và học hỏi. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, với rất nhiều ưu thế và cơ hội hơn so với thời đại ông cha chúng ta. Với bất kể lĩnh vực gì bạn chưa rõ, bạn đều có thể dễ dàng tìm kiếm câu trả lời qua Google. Có hàng nghìn kết quả cho một lần nhấn nút “Search” ( tìm kiếm).

Bạn đừng chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào Wikipedia – bách khoa toàn thư tự do mở bằng nhiều loại ngôn ngữ trên Internet với sự đóng góp của hàng tỷ người trên Thế giới mà bất cứ ai cũng có thể tham gia sửa đổi câu trả lời. Bởi vậy, nếu bạn muốn nhận được sự hỗ trợ từ Internet, hãy lựa chọn những nguồn tham khảo đáng tin cậy hơn nữa. Các hiệp hội chính thức, các trang web của Chính phủ, những trích dẫn từ các báo cáo nghiên cứu hay từ những chuyên gia ưu tú trong lĩnh vực bạn đang cần tham khảo là những lựa chọn hoàn hảo hơn. Hãy tích cực điều tra, tìm tòi và nghiên cứu, hãy đưa ra thật nhiều câu hỏi như một phóng viên rồi tổng hợp các kết quả bạn nhận được cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng với kết quả cuối cùng.

  • Kiểm tra dữ liệu của bạn

Vài năm trước đây, một blogger viết bài về lĩnh vực “những điểm nổi bật của một hội nghị công nghệ lớn”. Blogger này, dưới áp lực thời hạn hoàn thành, đã thu thập thông tin từ một tờ báo khác mà thiếu sự kiểm chứng cẩn thận. Anh ấy đã trích dẫn một bài viết từ tờ báo Forbes tuyên bố rằng ngài Steve Jobs sử dụng Powper point trên sân khấu trong khi không hề xảy ra vụ việc trên. Đây thực sự là một sự khinh suất lớn của cả hai tác giả khi không tôn trọng tính khách quan, chân thực của thông tin.

Bất cứ ai đều không tránh khỏi việc mắc sai lầm, nhưng bạn cần cẩn trọng hết mức có thể để tránh những lỗi nghiêm trọng như vậy. Nếu như bạn mới bắt đầu với công việc viết lách, uy tín của bạn sẽ bị sụt giảm đáng kể nếu đưa ra những thông tin thiếu chính xác, và thậm chí ngay cả khi bạn đã có 1 blog với hàng triệu độc giả trung thành cũng sẽ đánh mất sự tin tưởng dành cho bạn.

Bước thứ hai: Viết tiêu đề hấp dẫn cho bài viết

Tất cả mọi người, ai cũng đều có định nghĩa riêng cho một tiêu đề hấp dẫn. Một vài người cho rằng một tiêu đề thu hút cần phải thật sự cụ thể để tránh sự hiểu lầm của độc giả, trong khi số khác lại khuyên hãy làm cho tiêu đề mơ hồ một chút để kích thích sự tò mò. Tuy nhiên số đông vẫn có xu hướng lựa chọn 1 tiêu đề cụ thể hơn.

Cách viết tiêu đề như thế nào thay đổi tùy thuộc vào đối tượng độc giả của bạn. Dưới đây là những tiêu đề siêu cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Làm thế nào mà dự án phụ của chúng tôi có thể hái ra hơn 50 nghìn USD chỉ trong 60 ngày
  • 6 điều chúng tôi đã áp dụng để thu được lợi nhuận kinh doanh tăng 500% năm 2015

Những số liệu chính xác trình bày ngay ở phần tiêu đề sẽ đưa ra lời khuyên kích thích hành động cho các nhà tiếp thị và các doanh nghiệp mới sáng lập. Những bài viết mang tính chất nghiên cứu tình huống cụ thể như vậy có hiệu quả rất cao vì có đặc tính rất rõ ràng.

Một kỹ thuật phổ biến khác đặt câu hỏi trong tiêu đề của mình. Ví dụ như sau:

  • Liệu thuật toán có thể viết bài tốt hơn con người không?
  • Bạn có thể nói thành thạo một ngôn ngữ mới chỉ trong vòng 6 tháng hay không?

Tuy nhiên, sự phổ biến của loại hình đặt tiêu đề kiểu này đang có xu hướng chững lại, lượng ấn phẩm sử dụng cách tiêu đề đặt câu hỏi ngày càng giảm. Nếu như bạn vẫn quyết định dành sự ưu tiên cho cách đặt tiêu đề sử dụng câu hỏi, hãy chắc chắn rằng đó là một câu hỏi có thể gây hứng thú cho độc giả của mình.

Công việc đặt tiêu đề cho bài viết vừa đòi hỏi tính khoa học lại vừa phải giống một môn nghệ thuật. Bạn nên lựa chọn cách đặt tiêu đề nào phù hợp với nhu cầu của đối tượng độc giả mình hướng đến nhất. Nếu họ ưa chuộng những tiêu đề có tính cụ thể, bạn hãy đặt tiêu đề bài viết với những thông số đo lường được hoặc nếu họ tỏ ra thích thú với những gì bí ẩn, hãy đặt ra những câu hỏi ngay ở phần tiêu đề chứ đừng ép mình phải làm theo những gì mà những blogger khác làm.

Bước thứ ba: Bắt tay vào viết bài

Vậy là bạn đã đi được 2/5 chặng đường để tạo ra 1 tác phẩm hoàn chỉnh, bạn đã lên một kế hoạch rõ ràng, và đặt cho bài viết 1 tên gọi hấp dẫn. Bước thứ 3 là chính thức viết bài.

Cũng giống như đặt tiêu đề, cũng có 2 phương án viết bài cho bạn lựa chọn. Phương án thứ nhất (phương án mà tôi rất ưa thích): một tách cafe, một không gian yên tĩnh thoải mái với tiếng nhạc nền nhè nhẹ và bạn thả hồn mình vào những con chữ biết hát, bạn say sưa sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của mình bất kể những tia nắng cuối ngày đã dần khuất hay bóng tối đã phủ kín căn phòng từ khi nào. Miễn là “đứa con tinh thần” của bạn sẽ được ra mắt độc giả sớm nhất.

Phương án còn lại là phân chia công việc viết bài ra thành những phần nhỏ, bạn có thể hoàn thiện chúng dần dần tùy thuộc vào việc sắp xếp thời gian của mình.

Không có phương án nào tốt hơn phương án nào, bạn có thể chọn lựa cách mà phù hợp với bạn nhất. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên cố gắng hoàn thành bài viết của mình trong thời hạn ngắn sẽ tốt hơn, nó sẽ không làm ngắt quãng cảm xúc và đánh mất sự liền mạch của những ý tưởng xuyên suốt cả bài viết. Công việc viết lách đòi hỏi rất nhiều cảm xúc và không phải lúc nào cảm xúc cũng đến với bạn dễ dàng. Vậy nên hãy nắm bắt cơ hội khi nó đến.

Nếu như bạn cảm thấy mình phù hợp với cách thực hiện công việc một cách dần dần, bạn cũng nên cố gắng tối đa hóa thành quả đạt được nhiều nhất có thể. Mỗi lần ngồi viết, hãy đặt ra chỉ tiêu một vài đoạn lớn thay vì một vài câu nhỏ. Thời gian càng dài, nhiệt huyết càng giảm.

Viết lách cũng là 1 kỹ năng, nhiều người vốn nghĩ nó đòi hỏi năng khiếu thiên bẩm, điều này đúng, và nhiều lợi thế hơn cho những người có được năng khiếu này hơn những người khác, nhưng tin vui là bạn có thể luyện tập và cải thiện kỹ năng viết lách giống như những kỹ năng khác.

Khi bạn mới bắt đầu viết bài, bạn có thể phải mất cả tuần ( thậm chí hơn nữa) để có thể hoàn thiện một bài viết. Nhưng sau quá trình luyện tập, bạn đã giảm thời gian viết bài xuống chỉ còn vài giờ. Bạn sẽ không thể quyết định được thời điểm cố định tốt nhất để viết bài. Cảm xúc đã quyết định giúp bạn mất rồi!

Bước thứ tư: Sử dụng hình ảnh hiệu quả

Hãy trả lời thành thật với chính mình, bạn có thể không có cảm xúc khi đứng trước một khung cảnh non nước hữu tình, bạn có thể không cảm thấy hạnh phúc khi trực tiếp ngắm nhìn bức tranh tuyệt đẹp của một họa sĩ lừng danh nhất thế giới, hay nếu bạn là một người con trai bình thường, khi ngắm nhìn nụ cười và khuôn mặt xinh đẹp của hoa khôi trường bạn mà bạn đã thương nhớ từ lâu, bạn có thể không rung động hay không? Con người kỳ lạ như vậy đó, con người khó có thể “ chống đỡ” sức hút mãnh liệt của cái đẹp được cảm thụ qua nhãn quan.

Điều này cũng không ngoại lệ đối với việc viết bài trên blog. Một bài viết dù hay đến mấy, tư duy sắc bén và ngôn ngữ chau chuốt thế nào mà thiếu tính trực quan sinh động cũng không thể níu chân độc giả.

Việc bổ sung những hình ảnh minh họa phù hợp không chỉ làm cho người đọc hứng thú hơn mà nó còn có tác dụng phân chia độ dài bài viết ra nhỏ hơn. Một bài viết dài mấy nghìn chữ, không hình ảnh minh họa sẽ gây ra sự tẻ nhạt, nhàm chán và nỗi e ngại đối với người đọc.

Lựa chọn một bức ảnh đẹp còn góp phần làm cho bài viết của bạn tỏa sáng hơn, giống như khoác một bộ cánh lộng lẫy cho nàng Lọ Lem vậy. Điều này càng tỏ ra hiệu quả hơn khi chủ đề bài viết của bạn thuộc lĩnh vực khoa học khô khan.

Hình ảnh còn có tác dụng làm cho bài viết của bạn dễ hiểu hơn. Thật sự mà nói, tiếp thị kỹ thuật số ( hay hàng trăm chủ đề khó hiểu khác) không phải là chủ đề dễ tiếp thu đối với những độc giả còn mới mẻ với lĩnh vực này. Đó là lý do tại sao hình ảnh còn được coi là một công cụ rất hữu ích cho việc viết bài trên blog giúp bạn mở rộng đối tượng độc giả của mình hơn. Sơ đồ, biểu đồ, đồ họa, hay bảng biểu và rất nhiều các công cụ trực quan khác có thể giúp độc giả của bạn lĩnh hội được những chủ đề trừu tượng và phức tạp mà bạn đang trình bày.

Bước thứ tư: Chỉnh sửa bài viết

Thành thật mà nói, việc viết bài đăng blog không hề dễ dàng. Chỉnh sửa bài viết sau khi hoàn thành còn khó hơn nữa. Nhiều người hiểu lầm rằng chỉnh sửa bài viết đơn giản là soát lại bài viết một lượt xem có đoạn nào diễn đạt không trôi chảy, hay sử dụng sai ngữ pháp, chỉnh sửa bài viết còn cần được hiểu là việc bạn sẵn sàng cắt bỏ những câu văn, thậm chí cả những đoạn văn rườm rà và thiếu gắn kết với chủ đề của bài viết. Ngoài ra, tôi sẽ bổ sung cho bạn một vài bí kíp để hạn chế tối đa lỗi ngữ pháp cho bài viết được trình bày sau đây:

Tránh sự trùng lặp

Cảm giác đọc một câu văn hay một đoạn văn bị trùng lặp ý, trùng lặp từ thật chẳng vui vẻ chút nào cả! Sau khi hoàn thành bài viết của mình, bạn hãy đọc lại toàn bộ để soát xem có từ nào bị nhắc lại quá nhiều và thay thế bởi những từ đồng nghĩa hoặc cắt giảm 1 trong 2 câu văn cùng 1 ý để tránh sự nhàm chán bởi lỗi lặp từ, lặp ý.

Đọc bài viết của bạn thật to để kiểm tra sự trôi chảy trong cách diễn đạt

Đây là 1 thủ thuật mà rất nhiều nhà văn học được từ các hội thảo văn học. Một khi bạn đã đọc to một đoạn văn mà thấy vấp váp không mượt mà, thì điều này còn tệ hơn gấp bội khi độc giả của bạn đọc thầm bằng mắt. Vậy nên hãy làm quen với việc đọc to tác phẩm của mình để soát lỗi sau đó chỉnh sửa lại cho đến khi từng câu từng chữ thật “nuột nà” trôi chảy.

Nhờ ai đó kiểm tra lại bài viết của bạn

Những blogger chưa có nhiều kinh nghiệm viết bài thường xuyên áp dụng phương pháp này để soát lỗi. Bạn đừng nên ngại ngùng khi nhờ vài người bạn hay đồng nghiệp của mình đọc thử bài viết của bạn và xin những lời góp ý nhận xét từ họ,đó chẳng phải là việc gì đáng xấu hổ hay thể hiện sự thất bại, yếu kém của mình. Những người ham học hỏi hay cầu tiến luôn ưa chuộng những lời phê bình và góp ý hơn những lời khen để cải thiện kết quả tốt hơn nữa.

Nếu có cơ hội, bạn nên nhờ sự đánh giá và góp ý của những blogger có kinh nghiệm. Tuy nhiên bạn phải đảm bảo là không lấy của họ quá nhiều thời gian để chỉnh sửa những lỗi ngữ pháp, lặp từ , lặp ý (tuy nhiên nếu họ phát hiện thêm và chỉ ra cho bạn thì càng tốt) vì điều này bạn có thể tự làm được. Thay vào đó, sự đánh giá về ý tưởng và sự liền mạch của các ý lớn thì quan trọng hơn nhiều.

Tách những câu văn dài thành câu văn ngắn,chia 1 đoạn văn dài thành nhiều đoạn nhỏ hơn.

Nếu bạn không muốn “hù dọa” độc giả của mình thì đừng bắt họ phải đọc 1 bài văn dài như tiểu thuyết. Đây là một lỗi mà rất nhiều những blogger thiếu kinh nghiệm thường mắc phải.

Bạn nên thể hiện bài viết của mình bằng những câu văn và đoạn văn ngắn. Lối viết ngắn gọn, đơn giản như vậy sẽ giúp độc giả dễ dàng tiếp thu thông tin và ý tưởng của bạn hơn.

Chấp nhận một sự thật rằng các bài viết đăng blog sẽ không bao giờ hoàn hảo

Bạn không nên mong chờ rằng mình sẽ tạo ra 1 bài viết hoàn hảo. Không có gì là hoàn hảo, đó là chân lý, và bạn nên chấp nhận chân lý này.

Nói như vậy không phải là tôi đang cổ súy lối viết văn cẩu thả, hay coi thường tầm quan trọng của những chi tiết nhỏ. Điều tôi muốn nói với bạn là, không bao giờ có một bài viết hoàn hảo nhất, nhưng bạn có thể hoàn thiện bài viết của mình tốt hơn theo thời gian, bất cứ ai cũng vậy, kể cả là những blogger lão luyện. “Thất bại là người thầy của thành công”, bạn cần chấp nhận những sai sót, rút kinh nghiệm từ những chúng và luôn nỗ lực để cải thiện hiệu quả cao hơn cho những bài viết sau.

Kết luận:

Viết bài cho blog là một công việc, mới nghe thì tưởng là đơn giản nhưng cho đến khi bạn sắn tay áo lên và bắt đầu thực hiện thì mới thấy rõ những khó khăn của nó. Tin mừng cho bạn là sự khó khăn sẽ ngày càng ít đi và việc viết lách ngày càng đơn giản và mang lại niềm vui cho bạn sau những tháng ngày luyện tập.

Trên đây là 5 bước đóng góp cho bạn những ý tưởng để viết 1 bài viết hấp dẫn hơn, tuy đã cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi những thiếu sót và những lời bình luận đóng gópcủa các bạn sẽ là niềm vui và động lực cho những bài viết sau của tôi.