Codeigniter Framework

Codeigniter Framework được xem là 1 PHP framework phổ biến và dễ tiếp cận nhất so với các PHP framework hiện hành. Codeigniter được xây dựng và ra mắt vào ngày 28-02-2006. Trải qua nhiều lần cải biên và phát triển, hiện phiên bản mới nhất tính cho tới thời điểm tôi viết bài này là 2.1.0

Codeigniter thật sự đã trở nên mạnh mẽ và đầy đủ với các thư viện hỗ trợ người dùng từ dễ đến khó trong việc phát triển ứng dụng web. Để học và làm việc tốt đối với codeigniter cũng giống các php framework khác, người học phải có kiến thức nhất định về lập trình hướng đối tượng và xử lý mảng. Đồng thời am hiểu về kiến trúc M-V-C để có thể hiểu được quy trình và hướng hoạt động trong toàn ứng dụng.

Nếu đây là lần đầu tiên bạn tiếp cận với PHP Framework. Thì việc lựa chọn codeigniter để nghiên cứu là một quyết định rất chính xác đấy. QHOnline sẽ gởi đến các bạn loạt bài đầy đủ và chi tiết về Codeigniter, nhằm giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận framework này.

A- Cài đặt CodeIgniter Framework

Để cài đặt và chạy ứng dụng đầu tiên trong codeigniter. Bạn cần download bộ framework này tại đây:
http://codeigniter.com/download.php
Sau khi download xong. Chúng ta giải nén sẽ thấy bố cục của chúng như hình bên dưới.

Như các bạn thấy, chúng ta có tới 3 thư mục là: application, system, user_guide và file index.php. Trong đó, chúng ta chỉ quan tâm tới 2 thư mục là application, system và file index.php mà thôi.

Copy chúng vào thư mục của riêng bạn. Trong trường hợp này, tôi tạo thư mục tên ciexam để chứa chúng.

Sau khi đã hoàn tất thao tác, kế tới ta tìm hiểu xem, chức năng của 2 thư mục này như thế nào nhé.
+ Thư mục system là thư mục dùng để chứa thư viện mặc định ban đầu của framework.
+ Thư mục application là thư mục dùng để chứa code do chúng ta tạo ra.
Vì thế, sau này chúng ta chủ yếu sẽ thao tác ở thư mục application mà thôi.

Như các bạn đã thấy ở hình trên. Thư mục application của chúng ta lại chứa khá nhiều thư mục khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu nhiệm vụ của các thư mục mà chúng ta thường thao tác như thế nào nhé.

+ Thư mục config: Dùng để chứa các file cấu hình như kết nối CSDL, cấu hình đường dẫn, cấu hình ngôn ngữ,….
+ Thư mục controllers: Chứa các file controller của ứng dụng.
+ Thư mục Model: Chứa các file thao tác trên CSDL của ứng dụng.
+ Thư mục Views: Chứa các file hiển thị thông tin khi tương tác

B- Viết ứng dụng đầu tiên với codeigniter.

Tạo file Hello.php trong thư mục controllers với nội dung:

PHP Code:
<?php
class Hello extends CI_Controller{
    public function __construct(){
        parent::__construct();
    }
    public function index(){
        echo "<h3>Hello CodeIgniter Framework - QHOnline.Info</h3>";
    }
}

 

Sau đó chạy localhost theo đường dẫn:
http://localhost:81/testci/index.php/hello
Và kết quả sẽ xuất ra lời chào như trong code.

h1
Ta hiểu gì về đoạn code ở trên ?.

+ Khi khởi tạo controller thì tên file và tên lớp phải giống nhau. Cụ thể ở đây là tên lớp hello và tên file hello.php phải giống nhau.

+ Theo quy tắc của CI thì chữ cái đầu tiên của lớp phải viết hoa.

+ Mọi lớp tạo ra trên quy tắc là phải kế thừa lớp CI_Controller

+ Để chống việc ghi đè lớp có sẵn trong CI, chúng ta phải sử dụng từ khóa parent để bảo lưu thông tin từ các phương thức trước đó. Mà cụ thể là phương thức khởi tạo construct().

+ Để chạy các action thì chúng ta phải tạo nó như 1 phương thức bình thường. Đối với CI và 1 số php framework khác thì index luôn được xem là action mặc định của controller đó.

+ Để chạy ứng dụng ta phải đi qua file index.php. File này được hiểu là 1 front controller. Nó sẽ điều hướng dữ liệu mà chúng ta sẽ gởi đi.

Liên kết chạy sẽ theo kiến trúc: http://localhost:81/testci/index.php/tê…er/Tên_action

Do đó, khi chạy ta dùng link: http://localhost:81/testci/index.php/hello

Có nghĩa là bạn đang chạy controller hello, ở đây không chỉ ra action thì có nghĩa là dùng action mặc định index.

Ví dụ tạo 1 action khác thì ta có:

PHP Code:
<?php
class Hello extends CI_Controller{
    public function __construct(){
        parent::__construct();
    }
    public function index(){
        echo "<h3>Hello CodeIgniter Framework - QHOnline.Info</h3>";
    }
    public function hocphp(){
        echo "<h3>Hoc PHP Tai QHOnline.Info</h3>";
    }
}

 

Như bạn thấy, để chạy nó. Ta sẽ có liên kết sau:
http://localhost:81/testci/index.php/hello/hocweb

Lưu ý: Tên action không được phép đặt là list. Nếu đặt là list hệ thống sẽ báo lỗi.

C- Tổng kết:
Qua bài này, bước đầu chúng ta đã hiểu cơ bản về codeigniter framework rồi phải không nào. Ở bài tới, tôi sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu về view trong codeigniter thì sẽ sử dụng như thế nào nhé.