Cheat các chỉ số cơ bản của Google Analytics như thế nào?

Trong các chiến dịch về tiếp thị số khi có sử dụng website/microsite thì các KPI về traffic cực kỳ quan trọng để đánh giá sự thành công của chiến dịch đó và các KPI này chủ yếu được đo lường qua công cụ Google Analytics. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ được ý nghĩa các chỉ số của Google Analytics cũng như nguồn gốc dẫn đến các chỉ số này, vì vậy mà đôi khi chúng ta nhận được yêu cầu của khách hàng bắt cam kết số lượng visitors, bounce rate, time on site… mà không dựa trên cơ sở nào cả.

Công cụ đo lường website google analytic - 7

Bản chất của traffic không tự nhiên mà có, nó xuất phát từ 2 nguồn chính như sau:

  1. Trả tiền: mua banner, quảng cáo cpc/cpm từ Google, Facebook…
  2. Không tốn tiền: từ tối ưu hoá công cụ tìm kiếm SEO

Trước khi chia sẻ về các cách cheating, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu lại sơ bộ ý nghĩa các chỉ số cơ bản của Google Analytics thường được sử dụng trên thị trường:

1. Visits: là số lượt truy cập vào website.

2. Unique Visitors: là khách truy cập duy nhất tính theo WAN IP (địa chỉ ip trên mạng, mỗi moderm mạng có 1 ip duy nhất do nhà cung cấp cấu hình) – theo VNNIC.

Sự chênh lệch giữa con số visits và unique visitors càng lớn có ý nghĩa là trang web của bạn khá hấp dẫn, thu hút khách hàng quay lại nhiều lần.

3. Pageviews: là số trang được xem trên website.

4. Pages/Visit: là số trang được xem của 1 lượt truy cập, chỉ số này càng lớn nghĩa là nội dung website rất hấp dẫn, nhiều nội dung thú vị làm cho khách hàng đọc nhiều hơn.

5. Avg. Visit Duration hay còn gọi là Time On Site: là thời gian trung bình cũng 1 lượt truy cập trên website; chỉ số này có ý nghĩa tương tự chỉ số Pages/Visit, càng lớn nghĩa là càng giữ chân khách hàng trên website càng lâu => họ sẽ đọc nhiều hơn.

6. Bounce Rate: là tỷ lệ % lượng truy cập vào website và rời bỏ website mà không xem bất cứ một trang nào khác.

Đây là 6 chỉ số căn bản nhất của Google Analytics mà nhiều người dùng để đo lường hiệu quả của website. Các chỉ số 1, 2 có nguồn gốc đến từ việc đầu tư vào media (banner, ppc…) và SEO (nếu có); trong khi đó các chỉ số 3, 4, 5, 6 là hệ quả của một loạt các hoạt động, công sức đầu tư vào:

  • Hoạch định nội dung (Content)
  • Hoạch định hành trình tương tác của khách hàng trên website (User Engagement Journey)…
  • Thiết kế sáng tạo (Creative Design)
  • Thiết kế hướng UI, UX…
  • Thiết kế hướng đến sự tiện dụng của người dùng (Usability)

Có nghĩa là các chỉ số 3, 4, 5, 6 không tự nhiên mà có, cũng không phải là con số có thể cam kết chính xác được. Nếu có ai dám cam kết các con số này với bạn, hãy chỉ cần hỏi nguồn gốc của chúng là từ đâu ra?

Hành vi của người dùng có thể tóm tắt như sau:

(1) Đọc báo/nghe nhạc online/Tìm kiếm => (2) Click vào quảng cáo => (3) Truy cập website của chiến dịch, xem tiếp/tham gia vào chiến dịch hoặc thoát.

(1): chúng ta sử dụng những công cụ về media planning như Comscore để lọc ra những website phù hợp với đối tượng mục tiêu của chiến dịch; việc hoạch định tốt sẽ giúp cho chiến dịch phủ đến đúng đối tượng hơn.

(2): nếu đối tượng nhìn thấy và quan tâm đến mẩu quảng cáo mới click vào; tỷ lệ click vào quảng cáo cũng phụ thuộc vào hình ảnh thiết kế, ad copy hấp dẫn và phù hợp hay không…

(3): khi truy cập website, việc đối tượng mục tiêu có xem tiếp hoặc tham gia vào chiến dịch hay là thoát luôn hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung trên website chiến dịch; các chỉ số pageviews và time-on-site và cao hơn là người đăng ký/tham gia cuộc thi… tuỳ biến dựa vào hành vi này của người dùng chứ không có một ai có thể can thiệp hoặc cam kết được.

Tuy nhiên trên thị trường vẫn có những kiểu cam kết như sau:

1. Cam kết số lượng visits, visitors và thậm chí là unique visitors. Có 2 trường hợp:

  • Không có ngân sách cho media: các con số này ở đâu ra?
  • Cùng 1 ngân sách cho media: agency A cam kết 1, agency B cam kết 1.000.000;

2. Cam kết thời gian time-on-site: ví dụ 2 phút

3. Cam kết bounce rate: ví dụ 60%

….

Họ làm bằng cách nào? Câu trả lời cũng tương tự trong bài chia sẻ Forum Seeding thì cheat như thế nào?

1. Vào công cụ URL Builder của Google

2. Làm theo các bước sau:

  • Website URL: là website/microsite của chiến dịch, ví dụ: http://www.abc.com
  • Campaign Source: là nguồn của traffic, ví dụ: google
  • Campaign Medium: là phương tiện để tạo ra traffic, ví dụ: organic
  • Campaign Name: là tên chiến dịch, ví dụ: how-to-cheat-analytics

=> Lúc này bạn sẽ có 1 URL là: http://www.abc.com/?utm_source=google&utm_medium=organic&utm_campaign=how-to-cheat-analytics

3. Mã hóa html iframe cho URL trên thành dạng:

<iframe src=”http://www.abc.com/?utm_source=google&utm_medium=organic&utm_campaign=how-to-cheat-analytics” width=”1″ height=”1″></iframe>

4. Đặt iframe 1 pixel này lên một website/blog/forum nào đó mà agency đó có sẵn:

Lúc đó tất cả traffic của website/blog/forum đó sẽ được tính thành nguồn traffic cho website/microsite của chiến dịch. Các chỉ số về time on site, bounce rate, pageviews sẽ chính là các chỉ số của website/blog/forum nguồn. Vì các chỉ số ở website/blog/forum nguồn đã có sẵn nên việc cam kết các con số này cho website chiến dịch là cực kỳ đơn giản và có thể đảm bảo được.

Lưu ý:

2 trường Campaign Source và Campaign Medium là hoàn toàn có thể đưa bất cứ giá trị nào vào và Google Analytics sẽ ghi nhận đúng nguồn đã đưa vào đó. Như ví dụ trên, 2 trường này là google và organic thì trên Google Analytics sẽ ghi nhận toàn bộ traffic của iframe đó dưới dạng google / organic, giống hệt như nguồn traffic mà website có được từ hoạt động SEO.

===

Tôi có nghe đâu đó câu nói vui “Việt Nam ham to”, nhiều người làm tiếp thị cũng rất thích các con số lớn, đặc biệt là khi các con số đó chẳng ảnh hưởng gì đến mình, cho nên càng lớn càng đẹp! Tuy nhiên, khi đứng trước bài toán mỗi chi phí bỏ ra mang về được bao nhiêu kết quả thật thì các con số lớn này không còn chút ý nghĩa nào nữa.